Nhà Trắng vừa công bố kế hoạch nới lỏng quy định về đi lại với tất cả những người nước ngoài đã tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, kể từ tháng 11-2021.
Du khách bước ra từ ga đến quốc tế của sân bay quốc tế Miami, Florida, Mỹ ngày 20-9 - Ảnh: AFP
Theo thông báo công bố ngày 20-9, quy định mới sẽ yêu cầu tất cả những người nước ngoài đến Mỹ sẽ phải cung cấp bằng chứng đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin. Quy định mới sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 11-2021 để cho phép các hãng hàng không và các bên liên quan có thời gian chuẩn bị.
Bên cạnh yêu cầu về vắc xin, chính quyền cũng sẽ dùng thêm các biện pháp khác để hạn chế sự lây lan của virus bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và khẩu trang.
Người nước ngoài đã tiêm vắc xin đầy đủ và người Mỹ trở về từ nước ngoài sẽ phải có xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 3 ngày trước khi bay, và phải trình kết quả xét nghiệm âm tính này trước khi lên máy bay.
Với người Mỹ chưa tiêm vắc xin về từ ngước ngoài, họ sẽ phải có kết quả xét nghiệm trong vòng 1 ngày trước khi bay và thực hiện một xét nghiệm khác khi đến Mỹ.
Người đã tiêm vắc xin đầy đủ sẽ không phải cách ly bắt buộc sau khi đến Mỹ.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng có kế hoạch yêu cầu các hãng hàng không thu thập thông tin của các khách hàng bay nội địa như số điện thoại và địa chỉ email để có thể báo động cho họ khi có trường hợp nghi ngờ phơi nhiễm. Các hãng hàng không sẽ lưu các thông tin liên lạc cho mục đích truy vết trong vòng 30 ngày.
Theo Nhà Trắng, họ sẽ để CDC đưa ra định nghĩa thế nào là tiêm vắc xin đầy đủ và danh mục loại vắc xin đạt yêu cầu. Có ba loại vắc xin được Mỹ phê duyệt sử dụng trong nước là vắc xin COVID-19 của Pfizer, Moderna và vắc xin 1 liều duy nhất Janssen (J&J).
Các trường hợp như vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ nhưng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, sẽ do CDC quyết định.
Theo Đài CNN, quyết định này là bước đi đầu tiên nhằm sửa chữa một trong những rạn nứt đang nổi lên giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và các quan chức ở châu Âu. Châu Âu đứng về phía Pháp khi cho rằng đã có sự thiếu minh bạch và tin tưởng khi sự tham gia của Mỹ - Anh khiến Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhận thấy các cuộc tham vấn với nhóm Biden về Afghanistan là không đầy đủ.
Trong những tháng qua, lệnh hạn chế đi lại đã trở thành một vấn đề chia rẽ nổi cộm giữa Mỹ và các lãnh đạo châu Âu. Phía châu Âu đã công khai lên tiếng rằng quy định hạn chế đi lại của Mỹ phá hoại mối quan hệ giữa hai bên.
Quyết định cũng hỗ trợ nhiều cho ngành du lịch. Các hãng hàng không, khách sạn, các ngành dịch vụ đều đã lên tiếng ủng hộ việc cho phép người đã tiêm vắc xin đầy đủ được đến Mỹ.
Thông tin nới lỏng hạn chế đi lại mới này làm nức lòng nhiều người sau khi lệnh hạn chế đi lại ở Mỹ liên quan đến COVID-19 lần đầu được công bố vào tháng 1-2020, hạn chế khách đến từ Trung Quốc.
Hồng Vân, Tuổi Trẻ, Thứ ba, 21/09/2021, 07:32 (GMT+7)