Chính phủ Thái Lan đang xem xét các điều kiện để cung cấp nhiều đặc quyền cho du khách giàu có như cấp thị thực cư trú dài hạn đặc biệt, các hợp đồng cho thuê nhà lâu năm, hoàn thuế...
Để được hưởng điều này, du khách phải đầu tư ở Thái Lan hoặc mua cổ phiếu trị giá 500.000 USD. Họ phải có lương tối thiểu trong hai năm gần nhất là 80.000 USD/năm, và nắm giữ tài sản trị giá từ một triệu USD. Du khách về hưu cũng phải đáp ứng yêu cầu tương tự, nhưng lương hưu cần từ 40.000 USD một năm và nắm giữ trái phiếu trị giá từ 250.000 USD. Nếu không mua trái phiếu, họ phải có lương tối thiểu 80.000 USD một năm. Động thái này nằm trong chiến lược thu hút khách nhà giàu đến sau đại dịch. Con số ban đầu mà Thái Lan muốn hướng tới trong phân khúc khách giàu này là một triệu người.
Chính phủ kỳ vọng nhóm du khách giàu này sẽ tạo ra dòng tiền khoảng một nghìn tỷ baht (gần 30 tỷ USD) vào năm 2026. Số tiền này sẽ góp một phần giúp nền kinh tế đất nước phục hồi sau khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch.
Tuy nhiên, câu hỏi được các chuyên gia phân tích du lịch đặt ra là: Liệu kế hoạch này có thể cạnh tranh với các gói thu hút du khách tương tự từ Malaysia và Singapore hay không?
Trên thực tế, chương trình hút khách nhà giàu mới nhất này cũng khá giống kế hoạch thẻ Elite hay visa cho giới tinh hoa. Người sở hữu tấm thẻ này phải đóng từ 500.000 đến 2 triệu baht (16.000 USD - 64.000 USD). Đổi lại, họ được cấp thị thực 5 năm, và có thể gia hạn. Malaysia có chương trình tương tự là Ngôi nhà thứ hai của tôi nhằm thu hút du khách giàu có trên thế giới đầu tư vào bất động sản ở đây. Với Singapore, họ đã tung ra hai chiến dịch là Tech.Pass để thu hút các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu và Đầu tư toàn cầu nhằm hướng tới các doanh nghiệp có giá trị ròng cao.
Chương trình mới của Thái Lan vẫn trong quá trình hoàn thiện các bước cuối, nhưng nhiều người đã bày tỏ hoài nghi về sự thành công, cũng như việc có thể vượt qua Malaysia và Singapore để hút khách. Một số ý kiến cho rằng việc cho thuê bất động sản dài hạn sẽ đe dọa quyền sở hữu bất động sản của người Thái. Một số khác cho rằng chương trình này giống như giải pháp dành riêng cho ngành bất động sản nhiều hơn. Bên cạnh đó, chương trình visa cho giới tinh hoa chỉ giúp Thái Lan thu về hơn 2.700 visa vào năm 2020. Trong khi đó, chương trình tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp 13.000 thị thực.
Thái Lan Longstay Management, một công ty tư vấn thị thực mà Tổng cục Du lịch nắm giữ 30% cổ phần, cho biết lượng khách quốc tế quan tâm đến việc tới đây lưu trú dài hạn giảm hơn năm ngoái. Lý do là năm 2021, các ca nhiễm nCoV tại quốc gia này gia tăng, dẫn đến nhiều người lưỡng lự.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều người vẫn tỏ ra lạc quan với chiến lược mới này.
Bill Barnett, CEO của một công ty tư vấn khách sạn có trụ sở tại Phuket nói rằng chương trình cấp thị thực dài hạn là điều "không cần bàn cãi". Lấy Phuket làm ví dụ, nơi này có hơn 1.000 biệt thự trị giá hàng triệu USD và phần lớn đang được cho thuê. Các thị trường khác như Koh Samui, Hua Hin và Bangkok chắc chắc cũng có nhiều tài sản như vậy. Chương trình Thái Lan Elite đã có gần 9.000 thành viên, và tạo ra doanh thu lên đến 1,3 tỷ baht cho Thái Lan năm 2019. Vì vậy, Barnett cho rằng kế hoạch hút khách giàu mới là điều hoàn toàn hợp lý. Anh cũng chỉ ra các kế hoạch hút khách của Malaysia và Singapore còn tồn đọng nhiều vấn đề, dẫn đến khó khăn cho du khách. Do đó, chính sách mới của Thái Lan sẽ nổi bật khi cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Vào giữa tháng 10, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết dự kiến miễn cách ly với khách đến từ 10 quốc gia nằm trong danh sách rủi ro thấp, gồm Trung Quốc, Singapore, Anh, Mỹ... Điều này cũng được kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế trong nước vào quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên, Liên đoàn các ngành công nghiệp, Phòng Thương mại và Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP chung cho đất nước trong năm nay là 0-1%.